Chất béo được cho là nguyên nhân dẫn đến cholesterol cao, bệnh tim và béo phì, thế nhưng cơ thể chúng ta vẫn cần chất béo
Chất béo có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như bôi trơn bề mặt cơ thể, góp mặt vào thành phần của cấu trúc màng tế bào, hình thành các hormone steroid, lưu trữ năng lượng, hòa tan các vitamin A, D, E, K.
Chất béo có 2 nhóm, chất béo “tốt” và “xấu”. Chất béo “tốt” cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh, nhưng ngược lại chất béo “xấu” làm tăng cholesterol và làm tăng viêm nhiễm.
Phân biệt chất béo “xấu” và “tốt”
Các axit béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn thường là tốt, còn chất béo bão hòa được xem là xấu. Chất béo không bão hòa đa được tìm thấy trong thực vật, chủ yếu trong các loại hạt và dầu thực vật, cá, hải sản. Chất béo không bão hòa đơn tìm thấy trong dầu ô liu, bơ, và các loại hạt…
Trong khi đó, chất béo “xấu” là các chất béo bão hòa và chất béo trans. Chất béo bảo hòa có nhiều trong các loại thịt đỏ. Ăn nhiều chất béo bão hòa thường khiến cholesterol tăng cao, cộng thêm nguy cơ viêm và bệnh tim mạch.
Chất béo lành mạnh có tác dụng gì?
Bạn có biết rằng mô não được tạo thành từ gần 60% chất béo? Một chế độ ăn ít chất béo sẽ khiến não không thể hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, các vitamin cần thiết như A, D, E và K không tan trong nước nên rất cần chất béo để vận chuyển và hấp thụ. Đó là những loại vitamin rất quan trọng cho sức khỏe của não và nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể.
Ngoài ra, phổi được bao phủ bởi một chất hoạt động bề mặt mà phần lớn chứa chất béo bão hòa. Trẻ sinh non thường được bổ sung chất hoạt động bề mặt để giữ cho phổi hoạt động tốt. Nếu không có đủ chất béo bão hòa, phổi có thể bị tổn thương. Một số nghiên cứu đã chỉ ra sự liên kết giữa việc tiêu thụ ít chất béo bão hòa với bệnh hen suyễn là hậu quả của sự phân hủy lớp mỡ này.
Hơn nữa, chất béo “tốt” còn có tác dụng giúp da mượt mà. Chất béo chiếm phần lớn của màng tế bào, và làn da của chúng ta được tạo thành từ một số lượng rất lớn các màng tế bào đó. Nếu cơ thể không tiêu thụ lượng chất béo thích hợp, da có thể trở nên khô và nứt nẻ, có thể khiến cơ thể dễ lây nhiễm bệnh.
Do đó, một chế độ ăn uống lành mạnh có nghĩa là ăn ít chất béo trans và chất béo bão hòa, bên cạnh đó tăng cường chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyên hằng ngày chúng ta cần khoảng 30% calo đến từ chất béo, nhưng nhiều người ăn chất béo nhiều hơn số lượng khuyến cáo.
Để phòng bệnh nguy hiểm nên giảm các thực phẩm chiên, những thực phẩm chế biến sẵn, không ăn thực phẩm có nhiều chất đường và chất béo, nên chọn đồ ăn nhẹ có hàm lượng chất béo thấp, ăn thịt đỏ chỉ 2-3 lần/tuần, hạn chế ăn da gà và ăn cá thường xuyên hơn, ăn nhiều các loại đậu như đậu nành và đậu lăng, chọn dầu thực vật chế biến thức ăn thay cho mỡ động vật.